Ngày
12/7/1984, quân đội Việt Nam phản công giành lại những điểm cao bị Trung
Quốc chiếm giữ ở Vị Xuyên (Hà Giang), 820 chiến sĩ đã bị thương, sư
đoàn 356 có 600 người hy sinh.
Tháng 2/1979, Trung Quốc đồng loạt tấn công vào biên giới sáu tỉnh phía
Bắc của Việt Nam. Trải qua 30 ngày chiến đấu ác liệt, các lực lượng vũ
trang tại chỗ và đồng bào dân tộc 6 tỉnh biên giới Việt Nam đã dựa vào
thế trận chiến tranh nhân dân, lấy ít địch nhiều, đánh bại "chiến thuật
biển người, thọc sâu phá hoại" của quân Trung Quốc, buộc họ phải rút
khỏi Việt Nam vào ngày 18/3.
Dù Trung Quốc rút quân, nhưng trong thư gửi chiến sĩ, đồng bào các tỉnh
biên giới quân khu 2, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng lúc bấy
giờ nhấn mạnh: "chiến sĩ đồng bào cần nêu cao cảnh giác, vì kẻ địch còn
ngoan cố và tiếp tục gây thêm nhiều tội ác mới. Cần tăng cường đoàn kết
các dân tộc anh em, đoàn kết quân dân, đoàn kết phía trước và phía sau,
thực hiện tốt hơn nữa cuộc vận động “phát huy bản chất tốt đẹp, nâng
cao sức mạnh chiến đấu” của các lực lượng vũ trang nhân dân".
Đúng như lời dự đoán, Trung Quốc không hoàn toàn rút quân mà vẫn duy
trì lực lượng ở biên giới và lãnh thổ Việt Nam khiến cho chiến sự tiếp
diễn suốt 10 năm sau đó.
Thị xã Hà Giang đầu năm 1984, đường phố hối hả với đủ loại xe vận
chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược… lên trận địa. Thanh niên các
phường, xã hăng say luyện tập bên sườn núi. Hầm trú ẩn được xây dựng
khắp nơi, từ trường học đến xí nghiệp, khu chợ. Học sinh nườm nượp đến
đơn vị dân quân tự vệ đăng ký lên đường chiến đấu, phục vụ chiến trường
biên giới.
Từ tháng 4/1984, súng nổ không ngừng ở biên giới Hà Tuyên (Hà Giang,
Tuyên Quang). Trung Quốc dùng cả bộ binh và pháo binh, tấn công chiếm
một số điểm cao ở vùng núi Hà Tuyên. Lúc này, Hà Tuyên chia làm hai
tuyến, tuyến trước là vùng chiến sự trong phạm vi tấn công lấn chiếm của
Trung Quốc, trong tầm phá hoại của pháo binh, còn tuyến sau là những
vùng tương đối ổn định phục vụ tuyến trước.
Lấn chiếm biên giới tại mặt trận Thanh Thuỷ, Vị Xuyên là một phần cuộc
chiến tranh phá hoại mà Trung Quốc tiến hành từ sau thất bại của cuộc
chiến xâm lược quy mô lớn trên các tỉnh biên giới phía Bắc tháng 2/1979.
Đây là một dạng chiến tranh đặc biệt về phương thức tác chiến, vũ khí
sử dụng, thời gian và không gian.
Trên hướng quân khu 2 mà trọng tâm là Vị Xuyên, Thanh Thuỷ, Trung Quốc
tập trung một lực lượng binh, hoả lực lớn gồm 4 tập đoàn quân, 4 quân
đoàn độc lập thuộc 8 đại quân khu: Côn Minh, Thành Đô, Nam Kinh, để lần
lượt thay phiên tiến công lấn chiếm vùng biên.
Trung Quốc vừa dùng máy bay, thám báo, biệt kích luồn sâu sang đất Việt
Nam nắm tình hình, vừa kết hợp bắn cấp tập pháo cối, chế áp các điểm
cao, trục đường giao thông và lực lượng bộ binh tấn công lấn chiếm đất
ta. Cách đánh của chúng không theo quy luật, không kể ngày đêm, tập
trung mật độ lớn với mức độ huỷ diệt vào những khu vực trọng điểm như
đồi Đài, Cô Ích, cao điểm 685, Cót Ép, khu 4 hầm. Số lượng đạn, pháo cối
địch sử dụng trung bình mỗi ngày từ 10.000 đến 20.000 quả. Có ngày tới
trên 65.000 quả (7/1/1987).
Phút nghỉ ngơi hiếm hoi sau trận chiến tại mặt trận Vị Xuyên tháng 7/1984. Ảnh: Người lao động.
|
Trong hơn 5 năm (1984-1989), số lượng pháo Trung Quốc bắn vào Hà Tuyên
là trên 2 triệu quả, trong đó 60% là đạn cối. Phạm vi địch bắn phá tập
trung vào hai xã Thanh Đức, Thanh Thuỷ trong khoảng diện tích 20 km2.
Thị xã Hà Giang cách biên giới Thanh Thuỷ 20 km không bị bắn phá nên
sinh hoạt vẫn diễn ra trong không khí thời bình.
Với cách đánh có chuẩn bị, Trung Quốc kết hợp tấn công chính diện với
bao vây vu hồi, tiến công liên tục bằng nhiều thế đội, trung bình 3-5
lần mỗi ngày, thay phiên chiến đấu, thực hành chiến thuật lấn đẩy với
lực lượng từ cấp đại đội đến sư đoàn trên các điểm tựa ở Thanh Thuỷ và
Tây Sông Lô.
Từ ngày 2/4 đến 27/4/1984, Trung Quốc bắn pháo liên tục vào các trận
địa phòng ngự của ta trên toàn tuyến biên giới. Ngày 28/4, Trung Quốc
dùng lực lượng bộ binh đánh chiếm điểm cao 1509, 1030, 772. Năm 1984
ngoài 23 vụ khiêu khích trên toàn tuyến, địch tổ chức 3 đợt tấn công quy
mô từ cấp đại đội, tiểu đoàn đến trung đoàn, lấn sâu vào đất ta
500-2.000 m.
Năm 1985 với 7 đợt tiến công lớn, Trung Quốc chiếm các cao điểm có vị
trí quan trọng ở Thanh Thuỷ, Vị Xuyên như 1509, 685, 1100, 900, bình độ
300, 400, đồi Chuối, đồi Đài, Cô Ích, A6.
Bên cạnh tấn công bằng bộ binh, Trung Quốc sử dụng pháo cối bắn phá các điểm tựa và trục đường vận chuyển của Việt Nam.
Giành lại cao điểm
Để đối phó với âm mưu của Trung Quốc, Việt Nam tập hợp một lực lượng
lớn gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Lực lượng
vũ trang đóng ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc khoảng 30 vạn người. Riêng Vị
Xuyên - hướng trọng điểm thường xuyên có 3 trung đoàn bộ binh và 2-3 sư
đoàn.
Cuối tháng 6/1984, Việt Nam quyết định phản công. Trong trận chiến giành lại cao điểm 772, sư đoàn 356 đã tổ chức hàng chục đợt tấn công dưới sức ép hỏa lực địch từ trên xuống.
Trong năm năm, tỷ lệ thương vong hỏa tuyến cao nhất là sư đoàn
313. Ở sư đoàn này, trung bình mỗi ngày có 3 thương binh, ngày cao nhất
là 23 thương binh. Trên toàn mặt trận Vị Xuyên, ngày cao nhất có 820
người bị thương (12/7/1984), trong đó chỉ riêng sư đoàn 356 đã có hơn
600 người hy sinh. Con số hy sinh nhiều đến mức năm 1989, sư 356 phải
giải thể.
Do Trung Quốc khống chế các tuyến đường bộ nên quá trình
vận chuyển thương binh ở hỏa tuyến rất khó khăn. Bộ đội vận tải phải qua
vách đá, đèo dốc, nhiều chỗ phải trườn bò, dùng tời đưa thương binh
xuống từng vách đá. Tỷ lệ thương vong của bộ đội vận tải tải thương
chiếm 30% tổng số thương binh.
Việt Nam cũng 7 lần thay phiên chiến đấu cấp trung đoàn, sư đoàn. Thời
gian mỗi đơn vị chiến đấu phòng ngự tại mặt trận Thanh Thuỷ, Vị Xuyên
trung bình là 6-9 tháng (trước đó, cuộc chiến phòng ngự ở Thành cổ Quảng
trị chỉ 82 ngày đêm, chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum 179 ngày).
Hình thức chiến đấu của sư đoàn chủ yếu là phòng ngự, giữ từng mỏm đá,
ngọn đồi và các điểm cao.
Mặt trận Vị Xuyên - Thanh Thuỷ được xác định là vùng chiến sự ác liệt
nhất trong cuộc chiến tranh chống lấn chiếm biên giới phía Bắc
1984-1989. Trong vòng 4 tháng (4/1984 - 8/1984), Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 7.500
quân Trung Quốc. Tuy vậy, đến nay chưa có tài liệu chính thức nào công
bố tổng số người thương vong của hai phía. Cuộc chiến dù quy mô không
lớn nhưng rất quyết liệt, căng thẳng và đau thương, như nhà thơ Lê Vân từng khắc khoải: Giặc Trung Quốc đánh Hà Tuyên/ Sông Nho Quế gầm lên bão sóng/ Súng trả lời với súng/ Xác quân thù chồng chất biên cương.
Hoàng Thuỳ
(Tư liệu)
(Tư liệu)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét